-
- Tổng tiền thanh toán:
Học Nhạc Lý Cơ Bản Chương 1
Nhạc Lý Cơ Bản
CHƯƠNG I
KÝ HIỆU ÂM NHẠC LIÊN QUAN ĐẾN CAO ĐỘ
1. Tên các dấu nhạc có cao độ khác nhau mà người ta thường dùng là : DO, RE, MI, FA, SOL, LA, SI gốc tiếng La-tinh, đọc theo tiếng Việt là ĐÔ, RÊ, MÍ, FA, XON, LA, XI. Đó là 7 bậc cơ bản của hệ thống thất âm, tính từ thấp lên cao. Muốn lên cao hoặc xuống thấp hơn, người ta lặp lại tên dấu các bậc trên với cao độ cách nhau từng quãng 8 một (còn gọi là bát độ).
2. Người ta cũng còn dùng các chữ cái La-tinh để gọi tên các bậc cơ bản trên : đô : C, rê : D, mi : E, fa : F, xon : G, la : A, xi : B (hiện nay B chỉ Xi giáng, còn H chỉ Xi thường).
3. Ở một số nước như Trung Hoa, Nhật Bản ... người ta còn dùng số thay cho tên gọi bằng chữ. Thí dụ : 1 : đô, 2 : rê, 3 : mi ... (1 chỉ dấu bậc I, 2 chỉ dấu bậc II, 3 chỉ dấu bậc III ..., 7 chỉ dấu bậc VII, muốn lên cao một bát độ, ta thêm dấu chấm trên con số, muốn xuống thấp một bát độ, ta thêm dấu chấm dưới con số 1, 1 ...). Số có 1 gạch là dấu móc, dấu có một gạch ngang là dấu trắng. Dấu không có gì là dấu đen...
Thang thất âm Đô luôn được trình bày dưới dạng 7 âm cơ bản đi liền nhau cộng thêm với âm đầu của thang âm được lặp lại ở bát độ : Đô Rê Mi Fa Xon La Xi (Đô).
4. Khoảng cách về cao độ tương đối giữa các bậc không đồng đều nhau.
·Khoảng cách nhỏ nhất trong thất âm gọi là nửa cung, giữa Mi với Fa và Xi với Đô.
·Khoảng cách lớn nhất giữa hai bậc cơ bản đi liền nhau gọi là nguyên cung : giữa Đô với Rê, Rê với Mi, Fa với Xon, Xon với La, và La với Xi.
Ta có sơ đồ :
Đô--Rê--Mi-Fa--Xon--La--Xi-Đô (mỗi gạch ngang chỉ nữa cung, nguyên cung gồm 2 nửa cung).
Như vậy khoảng cách âm thanh giữa Đô thấp và Đô cao kế tiếp gồm 12 nửa cung, hoặc 6 nguyên cung. Nói cách khác, quãng tám (Đồ - Đố) gồm 12 âm cách nhau đều đặn từng nửa cung một (ở đây chỉ mới nói đến hệ âm điều hoà do nhạc sĩ Jean-Sebastien Bach (1685-1750)và Jean Philippe Rameau (1683-1764) cổ võ và được chấp nhận rộng rãi cho đến này).
5. Dấu hoá : là những ký hiệu cho biết các bậc cơ bản được tăng lên hay giảm xuống từng nửa cung điều hoà.
5.1. - Dấu thăng : (#) làm tăng lên nửa cung.
- Thăng kép : (x) làm tăng lên 2 nửa cung.
5.2. - Dấu giáng : (b) làm giảm xuống nửa cung.
- Giáng kép : (bb) làm giảm 2 nửa cung.
5.3. - Dấu bình : ( n ) cho trở về cao độ tự nhiên,
không còn bị ảnh hưởng của các dấu hoá cấu thành cũng như dấu hoá bất thường.
Ở một số nước như Đức, Nga ... khi dùng chữ cái La-tinh A, B, C ... người ta thêm vần is thay dấu thăng : Cis : Đô# ; Eis : Mi# ; Ais : La# ; Cisis : Đôx ... và thêm vần es thay dấu giáng : Ces : Đôb ; Ceses : Đôbb ; Des : Rêb ; Ees —> Es : Mib ; Aes —> As : Lab.
6. Nhờ các dấu hoá đặt trước các dấu nhạc trên khuông nhạc, các bậc cơ bản được nâng cao hoặc hạ thấp tạo thành các “bậc chuyển hoá" : Đồ - Đô# (Rêb) - Rê - Rê# (Mib) - Mi - Fa - Fa# (Xonb) - Xon - Xon# (Lab) - La - La# (Xib) - Xi - Đô (các dấu hoá này được gọi là các dấu hoá bất thường. Chỉ ảnh hưởng đến các dấu nhạc cùng tên trong cùng một ô nhịp, khác với các dấu hoá cấu thành ghi ở đầu khuông nhạc, còn gọi là hoá biểu, ảnh hưởng đến mọi dấu nhạc cùng tên trong cùng một đoạn nhạc).
- Nửa cung dị chuyển : (diatonic đọc là đi-a-tô-ních) là nửa cung tạo nên bởi 2 bậc khác tên kề nhau.
- Nửa cung đồng chuyển : (chromatic đọc là crô-ma-tích) là nửa cung tạo nên bởi 2 bậc cùng tên.
- Nguyên cung dị chuyển : được tạo nên bởi 2 bậc khác tên kề nhau.
- Nguyên cung đồng chuyển : được tạo nên bởi 2 bậc cùng tên như Fa - Fa x, Xon - Xon bb hoặc 2 bậc khác tên không kề nhau : Đô# - Mib, Xon# - Xib. Trên thực tế đây là quãng ba giảm.
TD 5
a) 2 bậc cùng tên b) 2 bậc khác tên không kề nhau (= quãng 3 giảm)
7. Muốn ghi cao độ tuyệt đối của các âm thanh, người ta dùng đến khuông nhạc và khoá nhạc.
7.1. Khuông nhạc : Hiện nay người ta dùng 5 đường kẻ song song, tạo thành 4 khe song song, tính thứ tự từ dưới lên. Trên khuông nhạc đó, ta có 11 vị trí khác nhau, ghi được 11 bậc cơ bản. Muốn ghi thêm, người ta dùng các dòng kẻ phụ :
7.2. Khoá nhạc : dùng để xác định tên các dấu nhạc ghi trên khuông nhạc. Khoá nhạc được ghi ở đầu mỗi khuông nhạc.
Hiện nay thường dùng 3 loại khoá chính sau :
a) Khoá Xon dòng 2 :
- Dành cho bè nữ và các đàn âm khu cao như violon, Flute, Oboe ...
- Dành cho các bè nam cao và trầm : gồm khoá Xon Ricordi và khóa Xon hạ quãng 8
b) Khoá Fa dòng 4 : dành cho các giọng nam và các dàn thuộc âm khu trầm như Violoncello (cello), Contrabasso, Fagotto, Trombone ...
c) Khoá Đô dòng 3 : dùng cho đàn viola
8. Âm La mẫu có tần số 440 là âm chuẩn được đa số chấp nhận : nó được ghi trên khuông nhạc khoá Xon 2, nằm ở khe thứ 2. Người ta gọi đó là âm La 3, vì nó nằm trong bát độ thứ 3 của 4 bát độ hợp ca của giọng người.
Với hai khoá Xon và Fa, chúng ta có thể xác định chính xác độ cao tuyệt đối của các âm thanh thuộc âm vực giọng hát hợp ca trải dài trong 4 bát độ. Có những nhạc khí có thể phát ra âm thanh trầm hơn quá 1 bát độ (La - Xi - Đồ - Rê ... Đô1) hoặc cao hơn 2 bát độ (Đô5 - Rê - Mi ... Đô6). Để khỏi dùng đến quá nhiều dòng kẻ phụ, ta dùng dấu chuyển độ :
- Dấu chuyển độ lên : Phải tấu âm thanh lên cao hơn 1 bát độ : Ghi số 8 ở trên dòng nhạc, ngay chỗ bắt đầu phải chuyển độ, và thêm những vạch ngang rời song song với khuông nhạc cho đến khi diễn tấu bình thường như cao độ ghi trên khuông nhạc (có khi người ta viết chữ Octava đúng hơn Ottava Alta (8va Alta) ..... loco, loco báo hiệu trở lại bình thương (TD 6a).
- Dấu chuyển độ xuống : Phải tấu âm thanh thấp hơn 1 bát độ : Ghi số 8 dưới khuông nhạc với các vạch ngang rời cho đến khi không phải chuyển độ nữa (có khi thay bằng chữ Ottava bassa (8va bassa) ..... loco (TD 6b)).
TD 6 : Dấu chuyển độ
a) chuyển độ lên Ottava ..... loco b) chuyển độ xuống Ottava bassa ..... loco
TIỂU ĐỀ ÔN TẬP
Chương mở đầu : Khái niệm tổng quát
Chương I : Ký hiệu âm nhạc liên quan đến cao độ
1. Cho biết khái niệm về âm nhạc.
2. Nghệ thuật là gì ? Phương tiện truyền đạt của âm nhạc là gì ?
3. Các đặc tính của âm nhạc ?
4. Tiếng động khác với âm thanh ở chỗ nào ? Có được dùng trong âm nhạc nhiều không ?
5. Người ta dùng phương tiện nào để gọi tên các dấu nhạc có âm thanh cao thấp khác nhau ?
6. Thông thường khoảng cách về cao độ tương đối giữa hai dấu nhạc kề nhau có giống nhau không ? Có mấy loại khoảng cách ?
7. Dấu hoá là gì ? Có mấy loại ? Dấu hoá cấu thành và dấu hoá bất thường khác nhau thế nào ?
8. Cis, Cisis, Ces, Es, As, Ceses nghĩa là gì ?
9. Phân biệt các bậc cơ bản và bậc chuyển hoá ?
10. Nửa cung dị chuyển và đồng chuyển là gì ?
11. Nguyên cung dị chuyển và nguyên cung đồng chuyển là gì ?
12. Khuông nhạc là gì ? Công dụng của khuông nhạc và khoá nhạc ?
13. Có mấy loại khoá nhạc thường dùng hiện nay ?
14. Tại sao gọi âm La mẫu là La 3 ?
15. Chuyển độ là gì ? Ký hiệu ra sao ?
Người ta dùng các chữ cái La-tinh để gọi tên các dấu nhạc từ rất lâu, trước khi tu sĩ Guido d'Arrezzo (990-1050) một giáo sự âm nhạc, vào khoảng năm 1025, đã đặt ra các chữ đô-rê-mi-fa-xon-la-xi dựa trên một bản nhạc Bình ca trong bài Thánh thi kính thánh Gio-an Tẩy Giả sau đây :
Chữ UT=C, RE = D, MI = E, FA = F, SOL = G, LA = A
Còn SI = B/H là do âm đầu của 2 chữ Sancte Joannes ghép lại.
Chữ UT khó nghe, khó đọc, nên sau được thay bằng chữ DO (có lẽ do chữ DOMINUS, nghĩa là ông chủ, Đức Chúa ...), do ông Bononcini dùng lần đầu tiên trong cuốn Musico Prattico (1673).
Bát độ gồm 310,01 savart, nửa cung có 25,086 savart, nguyên cung : 50,172 savart. Bát độ còn được chia thành 12 prony, nửa cung có 1 prony. Ông Holder chia bát độ thành 53 comma, nguyên cung 9 comma, nửa cung dị chuyển (diatonic) của ông chỉ có 4 comma, nửa cung đồng chuyển (chromatic) có 5 comma : Hiện nay người ta không theo lối chia của ông nữa.